Vụ án “Trưởng thôn lạm quyền” ở Việt Yên, Bắc Giang: Vừa bị xử phạt hành chính, vừa bị truy tố hình sự. Luật sư Nguyễn Minh Long - công ty Luật Dragon đã tham gia bào chữa trong vụ án nhận ra được nhiều vướng mắc trong vụ án.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, bị can bị truy tố về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” nhưng lại không đủ các yếu tố cấu thành tội danh theo quy định của BộLHS...
Thỏa thuận thu tiền chênh lệch
Từ 2005-2009, UBND huyện Việt Yên có 4 quyết định về việc giao đất ở cho nhân dân thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung. Quá trình thực hiện các quyết định trên, Thân Văn Tư, Trưởng thôn Yên Sơn và Nguyễn Đức Sổ, phó Trưởng thôn kiêm kế toán thôn đã tổ chức họp với các hộ dân để thống nhất chủ trương thu giá đất cao hơn so với giá đất trong quyết định của UBND huyện Việt Yên với số tiền chênh từ 7 đến 10 triệu đồng/lô và được các hộ dân đồng ý. Ông Tư cũng đã tự ý tách số đất từ 35 lô được cấp thành 37 lô để tăng số tiền chênh nộp theo thỏa thuận nhập vào quỹ thôn. Số tiền mà ban lãnh đạo thôn Yên Sơn thu chênh lệch cao hơn so với 4 quyết định của UBND huyện Việt Yên là hơn 1,1 tỷ đồng. Số tiền thu được đã chi hết cho việc xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của thôn như: Xây nhà văn hóa thôn, cứng hóa kênh mương nội đồng, xây nhà tổ, xây chùa của thôn... không có “tư túi” cá nhân.
Năm 2010, khi phát hiện ra sự việc, UBND xã Nghĩa Trung đã tiến hành xử lý kỷ luật ông Tư với hình thức cảnh cáo và ông Sổ với hình thức khiển trách, cấm đảm nhiệm chức vụ vì liên quan đến những sai phạm nêu trên. Theo các quyết định kỷ luật này thì những việc mà ông Tư và ông Sổ đã thực hiện là các sai phạm do nhận thức và kiến thức về quản lý đất đai, tài chính bị hạn chế chứ không cấu thành tội phạm hình sự.
Tuy nhiên, sau đó vì có đơn tố cáo của một vài hộ dân không đồng tình chủ trương và không nộp tiền chênh lệch nên Thân Văn Tư và Nguyễn Văn Sổ bị điều tra và bị VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” quy định tại điểm C, khoản 2 Điều 282 BLHS.
Trong Cáo trạng cũng thể hiện, số tiền chênh lệch thu được trên không nộp vào ngân sách xã Nghĩa Trung hay huyện Việt Yên mà ban lãnh đạo thôn Yên Sơn giữ và chi tiêu vào các công việc chung như: Xây dựng nhà văn hóa, cứng hóa kênh mương nội đồng, xây nhà thờ tổ, xây chùa, trả nợ cũ… Theo kết luận điều tra, số tiền mà ban lãnh đạo thôn Yên Sơn thực tế đã chi nhiều hơn số tiền thu được từ việc giao đất. Ngoài số tiền thu từ việc giao đất, lãnh đạo thôn Yên Sơn còn thu các khoản thuế, tiền thủy lợi phí, thu từ việc giao khoán thầu diện tích hồ ao… Các khoản thu này sau khi nộp vào ngân sách theo quy định còn lại được lãnh đạo thôn quản lý, chi trả cho các hoạt động chung của thôn.
Có cấu thành tội phạm hình sự hay không?
Vậy là cùng một hành vi vi phạm, ông Tư và ông Sổ vừa bị kỷ luật khiển trách và cảnh cáo về hành chính, vừa bị khởi tố về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Trong khi đó, về nguyên tắc, một hành vi vi phạm đã bị xử phạt hành chính, nếu sau này phát hiện hành vi đó có dấu hiệu tội phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì phải huỷ quyết định xử phạt hành chính trước đây rồi mới chuyển hồ sơ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự.
UBND xã Nghĩa Trung đã có văn bản trả lời cơ quan tố tụng cho biết: UBND xã này không hủy quyết định kỷ luật với ông Tư và ông Sổ vì hết thời hạn do ông Tư và Sổ đã chấp hành xong quyết định kỷ luật. Ông Tư và ông Sổ đã không được giữ chức vụ Trưởng thôn và Phó thôn cũng như không tham gia bất kỳ hoạt động nào của thôn, xã kể từ thời điểm đó.
Theo quy định của tội danh “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” thì yếu tố “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác” là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành. TS. Lê Đăng Doanh, giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, để truy tố theo Điều 282 Bộ luật Hình sự phải chứng minh được bị can phạm tội vì động cơ vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác và hành vi vi phạm đã gây ra hậu quả làm thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân thì mới bị coi là tội phạm.
Thực tế, hồ sơ vụ án cũng thể hiện ông Tư không tăng giá đất hay tăng số tiền giao đất, bồi thường vượt quá mức giá của UBND huyện Việt Yên. Khi có quyết định của UBND huyện, ông Tư đã thông báo công khai toàn bộ nội dung văn bản này, các hộ dân đều biết rõ mức giá sàn mà UBND huyện đã quy định và đồng ý tự nguyện nộp thêm một khoản tiền nữa để lấy kinh phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trả nợ cũ và một số hoạt động chung theo chủ trương của toàn thể nhân dân trong thôn.
Các hộ dân đã ký nộp và xác nhận vào Bảng kê có hai cột ghi rõ số tiền nộp theo “giá sàn quy định” và cột “tự nguyện đóng góp”. Các hộ dân cũng đã có giấy xác nhận số tiền đã tự nguyện để công đức xây dựng, đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng của thôn. Ông Tư và ông Sổ đã thực hiện nhiệm vụ của mình theo sự chỉ đạo và thống nhất của Ban lãnh đạo thôn, đồng thời có báo cáo công việc cũng như minh bạch các số liệu tài chính trước UBND xã, Chi bộ thôn, tập thể quân dân chính. Hơn nữa, Cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Giang cũng không thể hiện được việc ông Tư và ông Sổ có vụ lợi hay động cơ cá nhân trong việc thu chi số tiền thỏa thuận chênh lệch nói trên, hay gây thiệt hại cho Nhà nước và cá nhân trong việc này.
Muốn biết thêm thông tin hay có vướng mắc gì hãy nhấc máy và gọi
Công ty Luật Dragon – Hotline: 1900599979
Website: www.vanphongluatsu.com.vn
Email : dragonlawfirm@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon
Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.