BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-BTC |
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NỢ VÀ CƯỠNG CHẾ THU HỒI NỢ THUẾ ĐỂ GIẢM NỢ ĐỌNG NGÀNH THUẾ QUẢN LÝ
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó giao Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo “xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế ngay trong năm 2018 xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước”. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã quán triệt và chỉ đạo cơ quan thuế khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý nợ thuế ngay từ đầu năm 2018. Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm 2018 đã xử lý thu hồi được 25.382 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế, đạt 61% số tiền thuế nợ có khả năng thu tại thời điểm ngày 31/12/2017.
Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế từ đầu năm đến nay vẫn diễn biến phức tạp, tiền nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các tháng. Theo báo cáo của Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số tiền thuế nợ do cơ quan thuế quản lý (không bao gồm tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước đang chờ điều chỉnh và tiền thuế nợ chờ xử lý, đang khiếu nại) tính đến thời điểm ngày 30/9/2018 tăng 13,4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó nhóm tiền thuế nợ có khả năng thu chiếm tỷ trọng 58% tổng số tiền thuế nợ, tăng 15,2% so với thời điểm 31/12/2017. Hầu hết các địa phương số nợ đọng thuế tăng so với thời điểm ngày 31/12/2017. Số nợ thuế tăng cao nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan còn do nguyên nhân chủ quan là sự phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan quản lý thu có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, thiếu tích cực trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Một số Cục Thuế, Chi cục Thuế chưa thực sự quyết liệt, chưa làm hết trách nhiệm, chưa thường xuyên quan tâm đến công tác quản lý nợ, chưa chỉ đạo ráo riết, kịp thời và tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế và xử lý nợ chờ điều chỉnh, chờ xử lý, chưa làm các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ xóa nợ thuế đối với khoản nợ không còn khả năng thu hồi theo quy định của Luật Quản lý thuế, dẫn đến tình trạng nợ thuế trên địa bàn một số địa phương còn khá cao và kéo dài, ngày càng phức tạp, nhất là ở một số thành phố lớn.
Để tăng cường xử lý nợ đọng thuế theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, của cán bộ thuế, cơ quan thuế, nâng cao hiệu lực hiệu quả đối với công tác quản lý nợ thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan Thuế các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng thuế. Cụ thể như sau:
1. Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với các đơn vị trong Bộ Tài chính, chỉ đạo các Cục Thuế thực hiện rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách về quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế và xử lý nợ thuế đảm bảo hành lang pháp lý, tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần làm tốt công tác xử lý thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế:
a) Tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành và các văn bản hướng dẫn về quản lý nợ thuế, cưỡng chế thu tiền nợ thuế, xoá nợ thuế, miễn tiền chậm nộp thuế. Trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện trong dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, đảm bảo tính khả thi và quản lý hiệu quả số tiền nợ thuế, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cấp hiện nay.
b) Khẩn trương rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội xử lý các khoản nợ không có khả năng thu ngân sách để trình cấp có thẩm quyền xem xét, với các tiêu chí rõ ràng, nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế; đảm bảo việc thực hiện kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và không để thất thu NSNN.
c) Tiếp tục rà soát những vướng mắc trong quá trình quản lý thu nợ thuế để hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Quy trình quản lý nợ thuế, Quy trình cưỡng chế nợ thuế theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, điện tử hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ từ khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác, khắc phục tồn tại, bất cập để nâng cao hiệu quả việc quản lý nợ thuế.
d) Chỉ đạo các Cục Thuế xây dựng phương án xử lý nợ đọng thuế, báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở đó, báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt phương án chung và giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phê duyệt phương án xử lý nợ đọng thuế đối với từng Cục Thuế.
đ) Chỉ đạo các Cục Thuế xử lý nợ thuế theo thẩm quyền và đúng chế độ quy định. Đối với nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế báo cáo Bộ Tài chính quy định; đối với nội dung thuộc thẩm quyền của Tổng cục Thuế, giao đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định theo thẩm quyền.
e) Tổng cục Thuế chỉ đạo các đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế, thực hiện kiểm tra, giám sát về việc xử lý nợ đọng thuế, lập các đoàn kiểm tra đột xuất, chuyên đề về công tác quản lý và xử lý nợ đọng thuế của các Cục Thuế, hàng tháng tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính về tình hình xử lý nợ đọng, đồng thời trực tiếp chỉ đạo xử lý nợ thuế đối với các doanh nghiệp lớn.
g) Tổng cục Thuế tổ chức tập huấn, đào tạo cập nhật quy định pháp luật cho các Cục Thuế, Chi cục Thuế để xử lý thống nhất. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, Tổng cục Thuế chỉ đạo xử lý dứt điểm, đảm bảo đúng chế độ quy định.
2. Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Tổ chức rà soát số nợ đọng thuế trên địa bàn quản lý, xây dựng phương án thu hồi nợ thuế, xử lý nợ đọng thuế, chỉ đạo các Chi cục Thuế xây dựng phương án xử lý nợ đọng thuế; báo cáo UBND tỉnh, thành phố, đồng thời báo cáo Tổng cục Thuế phê duyệt chậm nhất trước ngày 31/10/2018.
b) Thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng thuế theo quy định, cụ thể:
- Phân công, giao nhiệm vụ xử lý nợ thuế cho từng đồng chí lãnh đạo Cục Thuế, Trưởng phòng, Chi cục trưởng và từng cán bộ tham gia công tác quản lý nợ thuế, gắn việc giao chỉ tiêu xử lý nợ thuế theo từng người nộp thuế.
- Phân loại nợ thuế theo đúng hướng dẫn tại Quy trình Quản lý nợ thuế, để phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ và gắn trách nhiệm của từng công chức được giao nhiệm vụ quản lý nợ trong việc phân loại tiền thuế nợ; đồng thời nắm chính xác số người nợ thuế, số thuế nợ đọng cũng như nguyên nhân nợ thuế để áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp đối với từng nhóm nợ, khoản nợ. Định kỳ hàng tháng thống kê danh sách các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nợ thuế lớn trên địa bàn, đề xuất giải pháp thu nợ cụ thể đối với từng đối tượng, báo cáo UBND tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ thuế tỉnh, thành phố để theo dõi và chỉ đạo thực hiện.
- Ban hành đầy đủ thông báo nộp tiền thuế nợ, tiền chậm nộp (Thông báo 07/QLN) gửi đến từng doanh nghiệp, người nộp thuế để đôn đốc thu tiền thuế nợ, tiền chậm nộp thuế.
- Công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo hình trung ương và địa phương, website ngành thuế) theo đúng quy định của pháp luật, lên án mạnh mẽ và xử lý kiên quyết các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ, nợ thuế không thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. Hàng tháng, Cục Thuế lập danh sách và công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế trên địa bàn quản lý.
- Thực hiện kiên quyết các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, ban hành đầy đủ quyết định cưỡng chế đối với người nộp thuế phải cưỡng chế nợ thuế, hoặc phải chuyển sang biện pháp tiếp theo để thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
- Giải quyết kịp thời, đúng quy định các hồ sơ gia hạn nộp thuế, xóa nợ, nộp dần tiền thuế, không tính tiền chậm nộp, phấn đấu giải quyết, xử lý dứt điểm các khoản nợ đang xử lý, đang chờ điều chỉnh còn tồn đọng trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31/12/2018, không để nợ đang chờ điều chỉnh, nợ đang xử lý kéo dài sang năm sau mà không có lý do.
- Lập thủ tục, hồ sơ xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với những người nộp thuế thuộc các trường hợp xóa nợ đã được quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành:
+ Đối với người nộp thuế là doanh nghiệp bị phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế còn nợ; cá nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự không có tài sản để nộp tiền thuế còn nợ; hoặc hộ gia đình, cá nhân nợ tiền thuế đã quá 10 năm, cơ quan thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi, Cục Thuế lập hồ sơ xóa nợ thuế trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp;
+ Đối với người nộp thuế là doanh nghiệp nợ tiền thuế đã quá 10 năm, cơ quan thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi; các khoản tiền thuế nợ, tiền phạt không còn khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 01/7/2007 của hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn, không thanh toán được nợ thuế, đã ngừng kinh doanh, của doanh nghiệp nhà nước đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ thuế, Cục Thuế lập hồ sơ xóa nợ trình Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính xem xét xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp theo thẩm quyền.
- Rà soát tổng hợp các trường hợp nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng chưa có quy định về cơ chế chính sách, thủ tục hồ sơ, không thuộc các đối tượng được xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành. Lập văn bản, kèm danh sách người nộp thuế báo cáo về Tổng cục Thuế để tổng hợp chung cả nước báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
- Tổ chức kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đối với các Phòng và các Chi cục Thuế để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm trong công tác quản lý nợ.
c) Phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương để xử lý thu hồi nợ đọng thuế:
- Phối hợp với cơ quan Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Quản lý thị trường, Kho bạc Nhà nước và Tài chính kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế đối với doanh nghiệp.
- Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan Công an đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế đối với hộ gia đình, cá nhân.
d) Cục Thuế chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc, thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ xử lý nợ đọng của các Phòng, các Chi cục Thuế; việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, phát hiện và xử lý nghiêm công chức vi phạm, thiếu trách nhiệm. Định kỳ hàng tháng giao ban kiểm điểm, đánh giá, nắm bắt tình hình thực hiện xử lý nợ thuế, tổng hợp báo cáo Tổng cục Thuế trước ngày 02 của tháng sau kết quả xử lý nợ đọng và các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện xử lý nợ thuế.
đ) Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Cục Thuế phù hợp với khả năng của từng bộ phận để đảm bảo công tác quản lý nợ đạt hiệu quả cao, trong đó quy định rõ về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ phận của cơ quan thuế trong việc thực hiện công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, xử lý nợ thuế.
e) Bố trí, cơ cấu lại nguồn nhân lực thực tế có để đảm bảo tăng tỷ lệ cán bộ làm công tác quản lý nợ thuế, trưng dụng cán bộ ở các bộ phận khác tham gia công tác xử lý nợ thuế để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, giảm nợ thuế trên địa bàn.
3. Ghi cục Thuế và Chi cục Thuế khu vực trực thuộc các Cục Thuế:
a) Tổ chức rà soát số nợ đọng thuế trên địa bàn quản lý; xây dựng phương án thu hồi nợ thuế, xử lý nợ đọng thuế, báo cáo UBND quận, huyện, đồng thời báo cáo Cục Thuế xem xét phê duyệt chậm nhất trước ngày 25/10/2018.
b) Thực hiện các biện pháp xử lý thu hồi nợ đọng thuế theo quy định của pháp luật:
- Chi cục Thuế căn cứ nhiệm vụ thu nợ thuế được giao, phân công, giao nhiệm vụ xử lý nợ thuế cho từng đồng chí lãnh đạo Chi cục Thuế, Đội trưởng và từng cán bộ tham gia công tác quản lý nợ thuế, cụ thể hóa theo từng tháng, từng quý và từng nhóm nợ thuế, gắn với từng doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân;
- Tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ thường xuyên việc kê khai thuế, quyết toán thuế của người nộp thuế để đôn đốc thu nộp kịp thời các khoản phải thu phát sinh và thu nợ vào ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng phát sinh nợ thuế;
- Thực hiện phân loại nợ thuế đúng quy định, đúng tính chất nợ để làm cơ sở đôn đốc thu tiền nợ thuế;
- Ban hành đầy đủ thông báo nộp tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp số thuế nợ đến từng doanh nghiệp, người nộp thuế;
- Thực hiện cưỡng chế đúng pháp luật đối với những doanh nghiệp, người nộp thuế chây ỳ nợ thuế, cố tình chiếm dụng tiền thuế của nhà nước;
- Hàng tháng lập danh sách người nộp thuế chây ỳ nợ thuế trên địa bàn quản lý để thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo hình trung ương và địa phương) theo đúng quy định. Đồng thời, gửi danh sách về Cục Thuế tỉnh, thành phố để công khai trên website ngành thuế; gửi thông báo đến UBND quận, huyện danh sách nợ thuế của tổ chức, cá nhân trên địa bàn để chính quyền địa phương biết và hỗ trợ Chi cục Thuế thu hồi nợ đọng thuế.
c) Phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường, thị trấn và các phòng, ban trực thuộc UBND quận, huyện như Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Phòng đăng ký kinh doanh, cơ quan công an... thực hiện xử lý thu hồi nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước.
d) Định kỳ hàng tháng giao ban kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện xử lý nợ thuế trên địa bàn, tổng hợp báo cáo về Cục Thuế tỉnh, thành phố trước ngày 30 của tháng kết quả xử lý nợ đọng và các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện xử lý nợ thuế.
4. Tổ chức thực hiện:
- Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm tổ chức quán triệt nghiêm túc Chỉ thị này đến từng cán bộ, công chức thuế thuộc phạm vi quản lý; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý nợ thuế, nâng cao nhận thức chính trị, chuyển biến về tư tưởng, đổi mới phương pháp, thái độ làm việc; xây dựng chương trình, biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để các nội dung quy định tại Chỉ thị này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan thuế các cấp, là căn cứ, cơ sở và điều kiện quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác thuế năm 2018.
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao quản lý, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ kịp thời cho cơ quan Thuế trong việc tăng cường công tác quản lý nợ thuế, xử lý thu hồi nợ đọng thuế; cung cấp đầy đủ thông tin về tài chính, thuế trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Thuế thực hiện tốt công tác quản lý nợ thuế, xử lý thu nợ thuế, giảm nợ đọng thuế.
- Tổng cục Thuế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện chế độ báo cáo theo thời gian quy định, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Bộ Tài chính, đồng gửi Văn phòng Bộ tổng hợp.
- Giao Văn phòng Bộ Tài chính phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính đôn đốc, theo dõi, tổng hợp tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng quý và kết thúc năm tổng hợp báo cáo Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Tài chính./.
|
BỘ TRƯỞNG |