BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀ XÃ HỘI Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------- ----------------
Số: 33/2012/TT-BLĐTBXH Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2012
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2011/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHUYỂN DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
Căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Nghị định số 59/2011/NĐ-CP).
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động trong các doanh nghiệp cổ phần hóa quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
2. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa.
3. Cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với người lao động khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định.
Điều 3. Xây dựng phương án sử dụng lao động khi cổ phần hóa
Sau khi có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp chỉ đạo Tổ giúp việc lập phương án sử dụng lao động (trong phương án cổ phần hóa), trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Phương án sử dụng lao động được xây dựng theo các bước sau:
1. Bước 1. Lập danh sách toàn bộ số lao động của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp theo mẫu số 1 kèm Thông tư này, bao gồm:
a) Lao động không thuộc đối tượng ký hợp đồng lao động, gồm Thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của doanh nghiệp.
b) Số lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động có hưởng lương và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (kể cả số lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 01 năm).
c) Số lao động đang nghỉ việc nhưng có tên trong danh sách lao động của công ty, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Bước 2. Lập danh sách số lao động sẽ nghỉ việc tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp bao gồm:
a) Danh sách lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp theo mẫu số 2 kèm Thông tư này.
b) Danh sách lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp (gồm các trường hợp: hết hạn hợp đồng lao động; tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động vì các lý do khác theo quy định của pháp luật lao động) theo mẫu số 3 kèm Thông tư này.
c) Danh sách lao động không bố trí được việc làm ở công ty cổ phần tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp theo mẫu số 4 kèm Thông tư này, bao gồm:
- Danh sách lao động dôi dư theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
- Danh sách lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động và trả trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật lao động.
3. Bước 3. Lập danh sách lao động sẽ chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo mẫu số 5 kèm Thông tư này, gồm:
a) Lao động đang thực hiện hợp đồng lao động còn thời hạn.
b) Lao động đang nghỉ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) mà hợp đồng lao động còn thời hạn.
c) Lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
4. Bước 4. Tổng hợp phương án sử dụng lao động theo mẫu số 6 kèm Thông tư này.
Điều 4. Chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa
Căn cứ phương án sử dụng lao động đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện giải quyết các chế độ, chính sách đối với người lao động như sau:
1. Chính sách mua cổ phần với giá ưu đãi
Người lao động quy định tại khoản 1 (kể cả người được tuyển dụng trước ngày 30 tháng 8 năm 1990 mà chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động; người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, chờ việc theo quyết định của giám đốc doanh nghiệp) và khoản 2 Điều 2 Thông tư này, có tên trong danh sách lao động thường xuyên (có hưởng lương, có đóng bảo hiểm xã hội, kể cả người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, đang nghỉ việc hưởng chế độ ngắn hạn, nếu có) của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp được mua cổ phần với giá ưu đãi theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Thời gian được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi là tổng thời gian tính theo số năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) người lao động thực tế làm việc (có đi làm, có tên trong bảng thanh toán lương) trong khu vực nhà nước tính đến thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp trừ đi thời gian thực tế làm việc đã được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi tại doanh nghiệp cổ phần hóa trước đó, thời gian thực tế làm việc đã được tính hưởng chế độ hưu trí hoặc tính hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (nếu có).
Thời gian người lao động thực tế làm việc trong khu vực nhà nước gồm: thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa, thời gian làm việc ở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trước khi về làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa (bao gồm cả thời gian đào tạo có hưởng lương, thời gian cơ quan, đơn vị cử đi công tác, thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời gian làm việc theo hình thức nhận khoán sản phẩm, khối lượng công việc được doanh nghiệp cổ phần hóa trả lương và có đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật).
2. Chính sách mua thêm cổ phần với giá ưu đãi: thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Chia số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi
Người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư này, có tên trong danh sách lao động thường xuyên của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (thời điểm khóa sổ kế toán, lập báo cáo tài chính để xác định giá trị doanh nghiệp) được chia số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi (bao gồm cả giá trị tài sản dùng trong sản xuất kinh doanh đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi) theo quy định tại khoản 5 Điều 14 và Điều 19 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP theo tổng số năm (đủ 12 tháng) làm việc thực tế của người lao động tính từ thời điểm tuyển dụng đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Đối với phần tháng lẻ của tổng số năm làm việc thực tế của người lao động để tính chia số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi do doanh nghiệp quyết định.
4. Chế độ hưu trí
Những người đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư này thì Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hóa và cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.
5. Chế độ trợ cấp thôi việc
Người lao động quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư này chấm dứt hợp đồng lao động được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc (nếu có) theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động, Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ, Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 9 năm 2003 và Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
6. Chế độ đối với lao động dôi dư
Người lao động quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư này thuộc đối tượng của Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thì giải quyết theo quy định tại Nghị định số 91/2010/NĐ-CP và Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
7. Chế độ trợ cấp mất việc làm
Người lao động quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư này không thuộc đối tượng của Nghị định số 91/2010/NĐ-CP thì giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm (nếu có) theo quy định của Bộ luật Lao động. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Chế độ trợ cấp thôi việc, chế độ đối với lao động dôi dư, chế độ trợ cấp mất việc làm quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều này, từ ngày 01 tháng 5 năm 2013 được tính theo quy định của Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
8. Người lao động chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo khoản 3 Điều 3 Thông tư này được tiếp tục tham gia và hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác theo quy định.
Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm lập danh sách và làm thủ tục để cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định; thanh toán đầy đủ các khoản nợ về bảo hiểm xã hội đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội và các khoản nợ với người lao động (nếu có) trước khi chuyển sang công ty cổ phần; bàn giao danh sách và hồ sơ của người lao động cho Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc công ty cổ phần để tiếp tục tham gia và giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định.
.....
Nơi nhận: KT. BỘ TRƯỞNG
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; THỨ TRƯỞNG
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ; Phạm Minh Huân
- Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cơ quan Trung ương, các đoàn thể và các Hội;
- Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Website Bộ LĐTBXH;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VP, LĐTL, PC.